Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức khảo sát hoạt động Khoa học và Công nghệ tại huyện Kế sách, tỉnh Sóc Trăng
Đoàn khảo sát hoạt động KH&CN tại huyện Kế Sách do bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH&CN làm Trưởng đoàn. Tham gia cùng Đoàn còn có ông Dương Vĩnh Hảo, Phó Giám đốc Sở KH&CN cùng đại diện của các phòng, đơn vị thuộc Sở. Về phía UBND huyện Kế Sách có ông Lê Hoàng Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các Phòng chuyên môn như: Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện tham gia.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ và UBND huyện Kế Sách
Trong thời gian qua, Sở KH&CN cũng như các đơn vị trực thuộc Sở đã hỗ trợ cho huyện Kế Sách thực hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ tiến tiến phục vụ sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho người dân địa phương từ các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cam sành tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; mô hình xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn tím Phong Nẫm” dùng cho sản phẩm nhãn tím của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; dự án “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ) để phát triển nghề trồng nấm bào ngư (Pleurotus sp.) ở tỉnh Sóc Trăng” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”,... Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn tham mưu cho UBND tỉnh phân khai kinh phí sự nghiệp KH&CN hỗ trợ có mục tiêu về huyện phục vụ cho việc triển khai các hoạt động KH&CN tại các địa phương.
Trong năm 2021, ngoài các nhiệm vụ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN, huyện Kế Sách còn tranh thủ kinh phí từ các nguồn khác phục vụ cho việc triển khai các mô hình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới (quy mô 7.000 m2); Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi ếch sạch; Mô hình 2 nhà lưới sản xuất cây giống (HTX bưởi Thành Công - Kế Thành, HTX Nông nghiệp Đồng Tiến - Xuân Hòa); Mô hình cam xoàn, cam mật, bưởi da xanh; Mô hình kiểu mẫu... từ nguồn kinh phí sự nghiệp Nông nghiệp và nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương như “Mô hình sản xuất gạch block bê tông bọt không chưng áp thay thế các cơ sở sản xuất gạch đất nung tại tỉnh Sóc Trăng” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”.
Tại buổi làm việc, thông qua việc trao đổi, thảo luận của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tại địa phương, ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách đã nêu lên một số thuận lợi và khó khăn của huyện về các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN và chỉ đạo cho các Phòng chuyên môn tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được và khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời, cũng đưa ra đề xuất với Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ cho địa phương các hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng; truy suất nguồn gốc, xuất xứ; bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm cây ăn trái tại địa phương, để góp phần thúc đẩy cho sản phẩm của địa phương tham gia các thị trường quốc tế, nâng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Qua buổi làm việc, bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao các hoạt động KH&CN, các mô hình liên quan đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm; ghi nhận các ý kiến, đề xuất của địa phương, các cơ sở sản xuất, HTX. Đồng thời, chỉ đạo cho các phòng chuyên môn trực thuộc Sở sẽ nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ cho địa phương thực hiện một số nội dung thuộc lĩnh vực Sở KH&CN quản lý. Đối với các lĩnh vực có liên quan đến ngành khác, Sở sẽ ghi nhận, phối hợp các ngành xem xét, hỗ trợ.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã đi thăm 02 mô hình đang triển khai có hiệu quả tại địa phương, cụ thể:
- Mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây sầu riêng, tại Hợp tác xã Hưng Lợi 1, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa. Hợp tác xã được thành lập với 30 xã viên; tổng diện tích là 34ha; cây có độ tuổi thấp nhất là 5-6 năm tuổi và cao nhất là từ 24-26 năm tuổi. Đoàn khảo sát đến thăm mô hình tại hộ ông Đoàn Văn Út, mô hình được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây có độ tuổi từ 24-26 năm tuổi, hiện tại cây đang cho trái, ước tính khoảng 30 ngày sau sẽ thu hoạch. Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cả dưới gốc và phun đều trên cây; phối hợp với phun thuốc phòng trừ các loại sâu hại; mô hình đạt hiệu quả cao, triển khai thuận lợi, được sự đồng thuận cao của các thành viên HTX; mô hình được đầu tư với tổng kinh phí ban đầu khoảng 60 triệu đồng/ha. Theo ông Đoàn Văn Út, hiện nay do tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp thì hệ thống tưới tiết kiệm nước sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Vườn sầu riêng có lắp hệ thống tưới phun, cây có độ tuổi từ 24-26 năm (Đang cho trái)

Bể thuần dưỡng ếch bố mẹ, ương giống ếch con và sản phẩm ếch sơ chế
- Mô hình nhân giống, nuôi, chế biến ếch sạch tại cơ sở Phương Phi, ấp An Nhơn, xã Thới An Hội; mô hình với ưu thế là chủ động được nguồn giống và ếch thương phẩm. Hiện tại, mô hình đang thuần dưỡng ếch bố mẹ và nuôi ếch thương phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Sản phẩm ếch sạch Phương Phi đã được cấp giấy chất nhận về cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về nguyên liệu và được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Nam Phương, trong thời tới cơ sở sẽ nghiên cứu thêm một số sản phẩm chế biến sẳn phục vụ nhu cầu thị trường, đồng thời kiến nghị với Sở KH&CN hỗ trợ về quy trình công nghệ, tư vấn về trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và bảo quản sản phẩm theo quy định, để sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Lưu Thị Kiều Oanh